LỜI ĐẦU SÁCH
Thời gian dự khóa tại Học viện Huệ Nghiêm, Bình Chánh Gia Định, chúng
tôi đã được học kinh Bát Nhã với Hòa thượng Viện trưởng. Bấy giờ, Ngài là Quản
viện tức là Hiệu trưởng của trường.
Liên tiếp những năm 1970-1973 chúng tôi được nghe Hòa thượng Viện
trưởng giảng giải kinh Bát Nhã tại Thiền Viện Chơn Không, Vũng Tàu và nhất là
vào thời kỳ 1986-1988 Hòa thượng lại giản lược và đối chiếu Kinh Bát Nhã tại
Thiền viện Thường chiếu, Long Thành, Đồng Nai. Huynh đệ chúng tôi thêm một
lần nữa lại được Hòa thượng đinh ninh dạy bảo qua tinh thần Tánh không, không
có gì cố định.
Qua đó, một số thiền sinh chúng tôi xa xa thấy được “Cổng Vào nhà thiền”.
Biết được lối về và cũng từ đấy một lần nhận lại “Hòn ngọc nguyên xưa của
mình”.
Biết là một việc, mà hằng sống là việc khác. Xưa nay trong Tòng lâm, kẻ đi
hành cước đến chỗ nầy, ai nấy cũng đều ân cần đặt vấn đề với các bậc Tác gia
“làm sao con bảo nhiệm?”. Quá trình học dài gian lao của hành giả trên dặm
trường Phật đạo, hẳn rằng lắm nhiêu khê, nhiều ma chướng mà cũng thống khoái
bất tận. Bậc trượng phu ý chí lẫm liệt, dứt khoát phải trải qua “thật đạp” trên mảnh
đất nầy, và cũng không có lối nào khác.
Tâm là chủ tề, Tâm là nguồn đầu. Nếu nhận được nguyên vị của nó thì ngay
đây không thiếu chi cả. Bằng không, cũng chính nơi đây là rừng rậm mịt mù cỏ
gai. Chỗ uyên nguyên nầy chỉ hành giả khéo nhận “thừa đương”; trái lại, ôi thôi vô
vàn điêu linh, khốn khổ, vướng mắc không cùng, xả thân được thân kiếp số cũng
không kể xiết.
Bản ý của kinh nầy có thể nói là “chỉ ra cái linh hoạt đầy sinh động của
Tâm”. Mà Tâm chính là vấn đề cốt lõi của kẻ học đạo, muốn tìm sống lại, có thể
có một cách nói như vậy.
Thế nhưng, đối với kinh nầy người xưa dẫn giải bạt ngàn, cao ngất, bao kẻ
sơ tâm vào đạo không làm sao thẩm thấu, biết đâu bến định?
Đành vậy cũng là nhân duyên một Thiền Tổ Việt Nam là Thượng nhân
Minh Chánh. Ngài đã rụng hết mi mao, vì chúng ta khai triển Tâm tông Bát Nhã,
dìu dắt chúng ta vào chốn Tổ quê xưa. Cảm niệm thâm ân sâu dày của các bậc tiền
bối, đã trải tâm can cho tiền đồ Đạo pháp, lại vì một nỗi xót xa chung của dân tộc
Việt là những di sản văn hóa của giống nòi đã mất mát quá lớn, trong đó có nguồn
tài nguyên tinh thần dồi dào của Đạo Phật Việt Nam. Những biến cố binh hỏa,
những thăng trầm qua các thời kỳ dài lâu của xứ sở Việt Nam, đã hơn một lần làm
cho dân tộc Việt Nam, vốn có thừa những đau thương bất hạnh, lại càng thiếu thốn
những di sản của cha ông mình để lại. Bởi ý thức sâu sắc như vậy, cho dù sinh
hoạt của huynh đệ Thiền sinh chúng tôi ở trong Thiền viện có hạn hẹp, chúng tôi
cũng luôn luôn dặn lòng cố gắng đào xới, thu nhặt, đồng thời cống hiến những gì
tìm lại được của tiền nhân. Việc làm nhỏ nhoi nầy của huynh đệ chúng tôi, gọi là
góp một chút gì làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam. Với nhiệm
vụ như thế nhưng lực bất tùy tâm. Lòng đã quyết thì cố gắng hoàn thành.
Vì vậy, một số thiền sinh huynh đệ chúng tôi, từ Chân Không về Thường
Chiếu đã không ngại chỗ thô lậu của mình dám múa rìu trước vũ môn hải hội.
Đem bản kinh Bát Nhã Trực Giải văn cổ đổi thành quốc ngữ Việt Nam, thực khéo
làm trò cười cho hàng thức giả trong Tông môn. Có khi lại vi phạm bản quy
“Trích diệp tầm chi” của Thượng sư Huyền Giác. Do đó, trông mong các bậc cao
minh vì thương tưởng hàng hậu côn mà giúp đỡ chỉ giáo cho chúng tôi những chỗ
sai sót trong công tác đổi thành quốc văn bản Bát Nhã Trực Giải nầy, để tập sách
đủ duyên đến tay quí Pháp lữ gần xa nó thực sự hoàn bị hơn.
Cũng hy vọng từ cơ duyên nầy, trong hải hội mười phương kẻ đồng chí
những bậc tráng sĩ trong Tông môn, một phen nhận ra việc mình, một nhảy vào
thẳng non nước “Bình yên muôn thuở”.
Kính ghi,
Thay mặt nhóm Thiền sinh
Thiền viện Thường Chiếu
THÍCH NHẬT QUANG
tải sách tại đây:
bat-nha-truc-giai-ht-thich-thanh-tu